Về với Hưng Yên, du khách từng biết nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà thờ bà Hoàng Thị Loan nhưng có lẽ ít ai biết đến nhà bia tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật - vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Nguyễn Thiện Thuật sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có tài văn võ nổi tiếng khắp vùng. Theo gia phả họ Nguyễn thì Nguyễn Thiện Thuật thuộc dòng họ hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi. Nguyễn Thiện Thuật tên thật là Nguyễn Thuật, tên tự là Mạnh Hiếu (1844-1926), người làng Xuân Dục tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa, nay là thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Năm 26 tuổi, ông đi thi Hương và đậu Tú tài, sau đó ông được quan tỉnh Hải Dương đưa về giúp việc quân. Ông được giữ các chức vụ như: Bang biện phủ Kinh Môn, Tri phủ Từ Sơn, Tán tương quân vụ, Hưng Hóa Sơn, Tổng đốc Hải - Yên, Phó nguyên súy Đạo binh đông bắc,...Ông là vị quan thanh liêm, công minh, có tài cai trị.
Năm 1883, Nguyễn Thiệt Thuật kháng chỉ bỏ chức Tổng đốc Hải - Yên về Đông Triều mộ quân đánh Pháp. Ông thành lập đội quân lấy Đông Triều làm căn cứ. Hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã làm cho quân Pháp chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Đến 1885, ông từ Trung Quốc trở về và chọn vùng Bãi Sậy làm căn cứ, thống nhất các lực lượng chống Pháp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kể từ đó ông trở thành lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy và cuộc khởi nghĩa đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ông được vua Hàm Nghi phong "Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, gia trấn Trung tướng quân", nên nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp Thống.
Ông còn được một người Pháp nhận xét rằng: " Những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nông dân. Chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc Kỳ vào cuộc đấu tranh dân tộc".