Nằm trong trung tâm địa phận Phố Hiến Hạ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Khu di tích đình, chùa Hiến là một trong những di tích nổi tiếng, hàng năm thu hút được hàng vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái. Chùa Hiến có tên gọi “Thiên Ứng tự”.
Tương truyền chùa được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần. Trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật thời Lê đan xen Nguyễn. Chùa Hiến được xây dựng ở hướng Nam, là hướng “bát nhã”, trí tuệ của nhà Phật, có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Đầu tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm.
Phía trước sân chùa Hiến có hai tấm bia đá lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Một tấm bia niên đại Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) và một tấm bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Qua nội dung những tấm bia đó chúng ta có thể hình dung được khung cảnh của đô thị Phố Hiến, nơi hội tụ của nhiều cư dân người Việt và kiều dân nước ngoài ( chủ yếu là người Hoa) sang sinh sống, sản xuất và buôn bán.