Đến với huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên du khách sẽ trở về với vùng quê yên bình, được tản bộ trên triền đê uốn lượn, ngắm những hồ sen thơm ngát, được tìm hiểu về các di tích lịch sử như: đền Đậu An, nhà lưu niệm tướng quân Hoàng Hoa Thám... Ngoài ra du khách còn được khám phá các làng nghề truyền thống như: làng nghề đan đó Thủ Sỹ, làng nghề làm mành tre... và được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như: giò bì phố Xuôi, ếch om Phượng Tường...
Đặc biệt với chuyến thăm quan tìm hiểu về cội nguồn, xã Dị Chế - huyện Tiên Lữ - tỉnh Hưng Yên là một địa điểm hấp dẫn. Nơi đây sinh ra vị tướng tài Hoàng Hoa Thám hay còn gọi là Đề Thám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao "Tôn vinh ông là vị anh hùng dân tộc tận trung, tận hiếu với non sông Đất Việt".
Để tỏ lòng thành kính, tôn vinh sự nghiệp và những cống hiến to lớn của ông, năm 2004 tỉnh Hưng Yên đã xây dựng Nhà tưởng niệm Hoàng Hoa Thám trên mảnh đất quê hương tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ. Với lối kiến trúc hình chữ Đinh (J) nhà tưởng niệm quay về hướng Nam gồm: Đại bái và hậu cung. Đại bái là nhà 03 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái được lợp bằng ngói mũi, bờ nóc đắp hoa văn chữ triện, cửa được làm theo lối "Thượng minh hạ án" để trơn, hệ thống cột vững chắc, bộ vì tạo tác theo kiểu "vì chồng rường", đại bái có treo đại tự, câu đối ca ngợi công lao của Đề Thám "Nghĩa khí như sơn" và các họa tiết trang trí khác như lưỡng long chầu nhật, chim phượng, các loại hoa cách điệu. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh tư liệu, bản trích liên quan đến anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Nội dụng trưng bày theo các chủ đề: Hoàng Hoa Thám và người thân, các tưỡng lĩnh và những người đã trợ giúp Hoàng Hoa Thám, căn cứ của nghĩa quân Yên Thế, tội ác của Thực dân Pháp với nghĩa quân Yên Thế, các hình ảnh, hoạt động nhằm tưởng nhớ đến Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Qua những hình ảnh, tư liệu trưng bày tại đây, du khách sẽ thấy được hoàn cảnh, thân thế sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc và nơi đây cũng tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Yên Thế oanh liệt đã đi vào lịch sử dân tộc, mà tên tuổi của Đề Thám đã được nghị sĩ Metsimi thừa nhận trước Quốc hội Pháp rằng "Đề Thám thực sự là người anh hùng dân tộc, đối với nhiều người Đề Thám đã trở thành hiện thân tâm hồn người An Nam".
Hậu cung của nhà tưởng niệm có kiến trúc kiểu tường hồi ốc bít, nóc được làm đơn giản kiểu "vì kèo". Đây là nơi đặt ban thờ tướng quân, trên bài trí khám thờ và tượng thờ. Khám thờ được sơn son thiếp vàng lộng lẫy trang trí tứ linh, tứ quý và hoa cách điệu. Tượng thờ được đúc bằng đồng, cao 1,2m với tư thế nghiêm trang, mắt nhìn thẳng thể hiện khí phách của người anh hùng dân tộc. Trên ban thờ còn bài trí nhiều đồ thờ tự như: bát hương đồng, chân nến đồng...
Lễ tưởng niệm Hoàng Hoa Thám được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức vào ngày 15 tháng 02 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, long trọng gồm các hoạt động: dâng hương, tế lễ, rước kiệu sau đó diễn ra các trò chơi giân gian như: võ cổ truyền, chọi gà, cờ người, giao lưu văn nghệ thu hút được đông đảo nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh.
Đến thăm nhà lưu niệm không chỉ thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn mà đây còn là địa chỉ để các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu, các thế hệ trẻ học tập noi theo tinh thần yêu nước của vị anh hùng dân tộc.
TTTTXTDLHY