ĐÌNH, ĐỀN, CHÙA ĐÀO ĐẶNG

06/09/2018 269 0

Cách trung tâm thành phố Hưng Yên khoảng 7km, đến thăm quê hương của bà Đào Nương – người được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát ca trù của nước ta, du khách sẽ được tham quan cụm di tích đình, đền, chùa Đào Đặng. Cụm di tích tọa lạc tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, được Nhà nước xếp hạng là di tích “Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia năm 1994.

                                                   
Đình, đền Đào Đặng là nơi thờ tướng Trần Lữu và các con của ông là Thượng Linh Công, Đệ Nhất Linh Công, Hương Linh Công, Nhị Linh Công, Giang Linh Công và Phạm Linh Công. Đây là những tướng lĩnh tài ba của Hai Bà Trưng, có công đánh giặc Nam Hán xâm lược. Sau khi mất, các ông được nhân dân Đào Đặng lập đền thờ phụng.
Đình có kiến trúc hình chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung.
Đền Đào Đặng có kiến trúc hình chữ Quốc, gồm các hạng mục tiền tế, thiêu hương, trung từ và hậu cung. Gian trung tâm hậu cung là nơi đặt khám thờ tướng Trần L. Theo thần phả để lại, khi đánh trận từ Lạng Sơn về đến huyện Cấm Khê – Sơn Tây, trong trận giao chiến với quân Liễu Thăng, ông đã hy sinh ở sông Nhị Hà. Nhân dân đã lập đền thờ ông ở đền chính Đào Đặng.

                                                   
Chùa Đào Đặng (còn gọi là Hưng Phúc tự) là nơi thờ Phật với kiến trúc hình chữ Nhị gồm tiền đường, thượng điện và hai dãy hành lang. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Với người dân thôn Đào Đặng, chùa Đào Đặng là nơi họ tìm đến để cầu mong sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn, hướng họ đến những việc thiện như lời giáo huấn của đức Phật.
Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội tại cụm di tích đình, đền, chùa Đào Đặng từ ngày mồng 01 đến ngày mồng 06 tháng 02 âm lịch. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian khác như đánh cờ, kéo co, chọi gà… thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu