Ngôi đình trăm cột ở Hưng Yên

06/09/2018 281 0

 Hưng Yên có “ngôi đình trăm cột” nổi tiếng. Ngôi đình là một công trình kiến trúc cổ dựng bởi đúng 100 cột gỗ lim, cao to, bề thế, uy nghi. 

     
Đình Đa Ngưu, xã Tân Tiến – Văn Giang

Đó là đình Đa Ngưu, tọa lạc ở địa thế cao đẹp giữa làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, một trong số ít những ngôi đình cổ của Hưng Yên còn giữ được khá nguyên vẹn bố cục, cảnh quan kiến trúc và các di vật quý giá.
Các cụ cao niên làng Đa Ngưu kể rằng, đình có niên đại ngót 7 thế kỷ. Kiến trúc của đình gồm 2 tòa, ghép thành chữ “sĩ” – có nghĩa là học trò, người trí thức. Liền với sân đình rất rộng, lát gạch Bát Tràng là vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của ngôi đình trăm cột, mang đậm phong cách kiến trúc thời Lý – Trần. 
Cổng phụ bên phải đình có chữ “Đa văn vi phú”, có thể hiểu là lấy sự dồi dào của văn hóa, văn chương là niềm tự hào sự giàu có của làng, cổng bên trái có chữ “Dân lạc điềm hy”. Dân làng Đa Ngưu luôn tự hào là vùng đất có bề bày văn hóa, có trạng nguyên Nguyễn Tư làm quan tới chức Bình chương sự, được vua Trần ban quốc tính (họ của vua). Đây cũng là ông trạng khai khoa của đất Văn Giang. Thời kỳ cách mạng, Đa Ngưu là quê hương của một trong những lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng, Phó Đức Chính. 
Đình làng Đa Ngưu thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Nội Trạch Tây cung. Hậu cung có ba bài vị đặt trên ba ngai thờ sơn son thiếp vàng rực rỡ cùng hệ thống hoành phi, câu đối và đồ thờ tự.  
Về lịch sử xây dựng ngôi đình theo các cụ cao niên trong làng kể lại, lúc khởi dựng đình, các cụ bô lão trong làng cho chuyển về đủ 101 cây cột lim và chiêu mộ thợ giỏi ở khắp nơi về trổ tài. Nhưng các phường thợ sau khi nghe “đề bài” của các cụ đều lắc đầu “bó tay”. Các ông thợ cả đành chịu vì không thể dựng được ngôi đình lớn gồm 2 tòa nhà vững chãi, cân đối với 101 cây cột (số lẻ), các xà, cột đều bắt vai nhau bằng đố mộng, không sử dụng một chiếc đinh nào… Việc làm đình vì thế chưa thể tiến hành nhưng dân làng không thay đổi ý định xây dựng ngôi đình 101 cột gỗ. 
Mãi mới có một phường thợ đến xin nhận làm đình. Ông thợ cả ung dung trình bày cách làm: Sẽ dùng đủ 100 cột. Chiếc còn lại chúng tôi chẻ ra làm cán đục. Vậy là đình làng vẫn đủ 101 cây cột. 
Các cụ lúc ấy mới phấn khởi, tìm được thợ dựng nổi đình làng Đa Ngưu rồi!
Để dựng một ngôi đình có quy mô lớn như vậy, ngoài sự tinh diệu của nghề mộc, phải có sự tính toán hoàn hảo về thiết kế. Vì số cột đã nhiều lại to, đình lớn nên trong quá trình dựng, các khớp mộng phải được cắt đục rất sâu. Thợ phải thay tất cả cán đục cho dài và khỏe thì mới đục được hàng trăm đầu cột, miệng kèo. Người tính toán được như vậy đích thị là giỏi, dựng nổi ngôi đình lớn.
Đình Đa Ngưu hiện vẫn còn nguyên vẹn 100 cây cột lim chạm trổ tinh xảo, công phu. Trước và sau đình có hai giếng Ngọc trồng sen, cũng là nơi dân làng lấy nước tắm rửa cho các ngai trong điện thờ mỗi dịp hội làng hằng năm vào tiết xuân. 
Không chỉ là một ngôi đình có kiến trúc đẹp, độc đáo, đình Đa Ngưu còn là chứng nhân của những sự kiện lịch sử quan trọng. Trong đó, có sự kiện Phó Đức Chính đã đem tổ chức của mình về đây gây dựng cơ sở chuẩn bị chống Pháp. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và oanh liệt hy sinh trên đoạn đầu đài cùng Nguyễn Thái Học và 11 chiến sĩ…
Đình Đa Ngưu là một công trình kiến trúc độc đáo trong số các di tích thờ Chử Đồng Tử, đã được xếp hạng di tích quốc gia.  Ngày nay, sau bao vật đổi sao dời của ngót 7 thế kỷ, đình làng Đa Ngưu vẫn vững chãi, đẹp uy nghi. 
Về thăm “ngôi đình trăm cột”, du khách không chỉ mãn nhãn trước kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của phong cách kiến trúc thời Lý – Trần mà còn được lắng nghe câu chuyện về sự tài hoa và trí thông minh của những người thợ Việt xưa

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu