Văn Lâm - Hưng Yên không chỉ là địa chỉ quen thuộc đối với người dân trong tỉnh và người Hà Nội nói riêng, nơi đây còn thu hút rất đông du khách từ mọi miền đất nước bởi có một ngôi làng cổ đã tồn tại hàng trăm năm cùng hệ thống đình làng, nhà cổ, chùa cổ mang nhiều giá trị. Trong đó phải kể đến các di tích lịch sử nổi tiếng đó là: chùa Nôm, đình Tam Giang, Chùa Thái Lạc, chùa Pháp Vân... Đến Văn Lâm du khách còn được khám phá nhiều làng nghề truyền thống: Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, làng dược liệu Nghĩa Trai... và được thưởng thức những món ăn nổi tiếng mang đậm hương vị làng quê như: rượu Lạc Đạo, cơm nắm muối vừng,...
Một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nơi đây là chùa Pháp Vân. Chùa nằm tại thôn Cầu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, tọa lạc trên khu đất rộng thuộc phía Tây Bắc của làng, mặt tiền quay về hướng Nam tạo nên không gian cổ kính và yên tĩnh.
Toàn cảnh ngôi chùa
Chùa là nơi thờ Phật và thờ bà Pháp Vân - một trong bốn vị thần của đạo Tứ Pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đó chính là bốn phép tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, các vị thần này chịu ảnh hưởng của đạo Phật và được hóa thành Phật. Đến tham quan ngôi chùa du khách được tìm hiểu về kiến trúc lâu đời mang nhiều dấu ấn của thế kỷ 17 -18. Cho đến nay không ai còn rõ chùa được xây dựng từ năm nào. Theo bia ký và hoa văn hiện có thì ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần vào thời Lê - Mạc và thời Nguyễn. Chùa là nơi hoạt động cách mạng vào thời chống Pháp, đặc biệt là nơi đội nữ du kích Hoàng Ngân bắn phát súng đầu tiên, nơi làm việc của Bộ Văn hóa - Thông tin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chùa Pháp Vân được xây dựng theo kiểu chữ công, bao gồm: Tiền đường có 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi, trên bờ nóc đề "Pháp Vân Tự". Mái tòa tiền đường được trang trí đơn giản, hệ thống hoành được bố trí thượng tam hạ tứ. Toàn bộ hệ thống mái được đỡ bằng 12 cột cái và 12 cột quân, tạo cho kiến trúc thêm vững chắc. Ở gian giữa tòa tiền đường có treo bức đại tự "Tam thiên bảo hóa", cùng các bức tượng như: hai tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Thánh Tăng. Gian tiền đường có chuông đồng đúc niên hiệu Cảnh Thịnh nhị niên 1794 và bia đá "Tín thí Pháp Vân tự bia" niên hiệu Diên Thành vạn vạn niên 1578 đời Mạc Mậu Hợp.
Tòa thượng điện kiến trúc kết cấu kẻ chuyền, bào trơn bóng bén, hai bên là bức cốn miêu tả cảnh lầu các, hoa lá sinh động. Hai bên dãy hành lang là bức phù điêu bằng gố chạm thập điện diêm vương. Chính giữa Thượng điện là Tam bảo với hệ thống tượng như: Tam Thế. Di Đà tam tôn, quan Thế Âm, tòa Cửu Long... Hậu cung có kiến trúc kiểu giá chiêng chồng rường và là nơi đặt tượng Pháp Vân. Đây là pho tượng đẹp làm bằng gỗ, được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thế kỷ 17-18 tạo nên. Ngoài ra còn có hai pho tượng Thế Địa, tượng Quan Âm tọa sơn và Quan Âm tế thứ.
Chùa Pháp Vân là di tích mang nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chùa còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống đạo đức và có đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến thăm ngôi chùa du khách sẽ được trút bỏ những gánh nặng đời thường của cuộc sống, được trở về với không gian thanh tịnh, được tìm hiểu về những giá trị văn hóa tâm linh, cũng như giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa.
TTTTXTDLHY