Nghè Nhân Vũ

05/09/2018 288 0

Làng Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, có ngôi đền nổi tiếng linh thiêng (từ lâu người ta thường gọi là Nghè Nhân Vũ). Đó là một công trình kiến trúc cổ bề thế bởi nội thất toàn bằng đá lộng lẫy, uy nghi.
Nghè Nhân Vũ tọa lạc trên một khuôn viên đẹp, cây cối xum xuê, có diện tích trên một héc-ta, nằm ở đầu làng soi bóng xuống dòng sông Thi thơ mộng. Có lẽ đây là một trong số ít công trình cổ của tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ được khá đầy đủ đồ thờ tự, kiến trúc cùng các di vật quý hiếm.

 
Nghè Nhân Vũ

Căn cứ vào Thần phả, bia đá và các cụ cao tuổi của làng cho biết: Nghè Nhân Vũ có gần hai nghìn năm tuổi, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc của ngôi đền gồm ba gian tiền tế và hai gian hậu cung. Trước mặt là sân đền khá rộng, được lát bằng gạch cổ Bát Tràng. Liền kề là hồ sen nước trong xanh. Toàn bộ công trình có nhiều cây cổ thụ, nhãn vải bốn mùa tươi tốt, tô thêm cảnh đẹp cho ngôi đền cổ kính rêu phong. Bức đại tự lớn trước cửa đền mang dòng chữ “Cổ Miếu Di Dung” được ghép bằng các mảnh gốm, sứ cổ óng ánh nhiều màu sắc đẹp mắt. Hai cột đồng trụ cao vút cùng đôi voi nằm phủ phục như sẵn sàng chờ lệnh của nữ tướng Ngọc Chi – xông pha giữa trận tiền đầy khói lửa nghiền nát quân thù. Sử cũ còn cho biết:
Bà Ngọc Chi sinh vào thập kỷ đầu công nguyên. Bà là con gái yêu của quan phủ huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi) Quách Đình Hồ - một danh sĩ hào kiệt đầy tài năng và đức độ. Được cha mẹ dạy dỗ, bà Ngọc Chi có chí khí hơn người, học sâu biết rộng và là trợ thủ đắc lực cho cha.
Lúc bấy giờ có chàng trai tên là Hoàng Văn Ân quê ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh), giỏi thiên văn, thông thạo địa lý về làng Như Kinh (Nhân Vũ ngày nay) sinh sống, dạy học. Ông có nhiều công lao giúp quan phủ Quách Đình Hồ trong việc truyền bá tư tưởng, bình trị thiên hạ, giữ yên phép nước và là người thực sự có tài. Bằng lòng cảm phục, quan phủ đã gả con gái yêu là bà Ngọc Chi cho ông.
Khi tuổi đã cao, sức yếu, Quách Đình Hồ đã trao lại toàn bộ quyền hành cho con rể, rồi cùng vợ con trở về làng Như Kính làm ăn sinh sống vui thú điền viên. Vợ chồng bà Ngọc Chi thay cha điều hành công việc có lý, có tình, đầy lòng nhân ái, được nhiều người quý mến tin tưởng. Một đêm cuối xuân, bà Ngọc Chi nằm mộng thấy hai con kỳ lân vờn nhau trước công đường, bà cho đây là điềm lạ, rồi bà mang thai.
Mười hai tháng sau bà trở dạ, sinh được hai người con trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú. Đặt tên con cả là Miêng và người con thứ là Lang. Lên 5 tuổi, hai người được cha mẹ dạy học chữ, lên 8 tuổi đã đọc thông viết thạo, năm 12 tuổi đã dùi mài kinh sử cùng trẻ trong làng luyện cung đao, tập võ nghệ. Khi 17 tuổi, họ đã chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân ta dưới ách đô hộ của ngoại bang mà đứng đầu là viên tướng toàn quyền Thái Thú Tô Định. Dã tâm đen tối của chúng là bóc lột, vơ vét vàng bạc châu báu, đồng hóa dân tộc ta.
Quê hương đầy bóng giặc, gia đình bà Ngọc Chi bị đau thương tan nát. Chồng bà bị Tô Định sát hại. Bà cùng hai con băng rừng lội suối ra trú ngụ tại rừng đại ngàn An Lạc (Chí Linh – Hải Dương) chờ cơ hội. Nghe tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa chống giặc ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) bà Ngọc Chi đã bí mật gặp bà Bảo Châu ở Nguyệt Thai; bà Hương Thảo ở thôn Bích Tràng (xã Tiền Phong – Thiên Thi) để cùng nổi dậy chống giặc.
Trên đường tới Phong Châu ra mắt Hai Bà Trưng, đoàn quân đi tới đâu là đồn trại của quân giặc bị tiêu diệt tới đấy.
Quân của bà Ngọc Chi đã bao phen đánh đông dẹp bắc, chỉ trong một thời gian ngắn, các nơi đều nổi dậy, chính quyền đô hộ của nhà Hán sụp đổ nhanh chóng. Bọn quan lại cùng chủ tướng Tô Định sợi hãi bỏ hết thành trì, của cải, ấn tín tháo chạy về nước. 
Nền tự chủ của nước ta được khôi phục. Bà Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng nữ vương) đóng đô ở Mê Linh (Vĩnh Phúc). Ba mẹ con bà Ngọc Chi được phong tướng. Nhận lệnh ba mẹ con bà Ngọc Chi mang quân về án ngữ miền Đông, lập bản doanh tại làng Như Kinh, vừa luyện tập, sản xuất, tích trữ lương thực, sẵn sàng chiến đấu. Nghe tin Trưng Trắc xưng vương, vua Hán tức tối, sai quân ở Hoa Nam huy động hai vạn người ngựa xâm lược nước ta. Với đội quân hùng hậu, đại binh của Mã Viện vượt qua ải Chi Lăng (Lạng Sơn), tiến quân vào vùng Lãng Bạc (Tiên Sơn – Bắc Ninh). Hai Bà Trưng mang quân chặn đánh và ở đây đã diễn ra một trận quyết chiến. Vì lực lượng không cân sức, quân của Hai Bà Trưng suy yếu, đành phải rút lui phòng thủ. Nghe tin Hai Bà Trưng thất thế, ba mẹ con bà Ngọc Chi mang quân ứng cứu nhưng các đường tiến quân đều bị giặc chặn. Hoàng Văn Miêng đã anh dũng hy sinh, cánh quân của Hoàng Văn Lang bị giặc bao vây. Mất đường tiếp viện, quân bị kiệt sức không đủ lương thực. Voi ngựa không có cỏ ăn, kẻ thù truy quét nên đội quân bị tan vỡ. Bà Ngọc Chi cũng lâm bệnh từ trần. Mã Viện đem quân tàn sát nghĩa binh làng Như Kinh rửa hận. Cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch, làng Như Kinh ngùn ngụt khói lửa, bị thiêu trụi hoàn toàn. Xác giặc ngổn ngang, hàng chục thủ lĩnh, hàng trăm nghĩa binh anh dũng hy sinh. Cả làng Như Kinh bị sát hại. Một số người sống sót trở về, họ bới trong đóng tro tàn gạch vụn tìm thấy hai bát hương cổ bằng đá quý còn lưu giữ được đến ngày nay.
Ngày 28.4.1994, Nghè Nhân Vũ đã được Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là di tích có kiến trúc độc đáo. Từ sập, đẳng, khánh, bát hương, lộc bình… toàn bằng đá được đẽo gọt trạm trổ rất tinh sảo. Nhiều bức đại tự, hoành phi, câu đối thể hiện “Phù Trưng vĩ tích”, “Quyết chí diệt thù cứu quốc, cứu Nam Bang”. Hàng năm làng Nhân Vũ và cùng chính quyền sở tại mở lễ hội tưng bừng vào ngày 10.3 âm lịch – ngày sinh của hai dũng tướng Miêng và Lang. Ngày 24.7 là ngày hóa của bà. Ngày 10.8 là ngày mừng công thắng trận với nhiều trò chơi dân gian như: Leo cầu kiều, đấu vật, chọi gà, hát trống quân…
                                                                                 Nguyễn Đình Chiến (Nguồn:baohungyen.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu